Wednesday, July 23, 2014

Đi Tìm Xác Rơi / Lê Văn Tường Đoàn Công Tác 11 Nha Kỹ Thuật

Anh Hòa kính.

Theo tọa độ và khu vực hành quân mà các anh đã cung cấp, chúng tôi (anh Khiết, anh Bô) đã đi lên Prao, cuộc tìm kiếm đã đạt được một số tiêu chí mà chúng tôi đã nghĩ tới. Từ Prao (huyện Hiên cũ) đi về hướng Nam (QL14) khoảng 10km gần với thủy điện Zahung; phía tay trái về hướng Đông toàn là vách núi dựng đứng, hiểm trở. Tôi cùng người dẫn đường (người dân tộc Cơtu) thử leo lên đỉnh, nhìn qua khu vực hành quân thì cây cối hoàn toàn che khuất tầm nhìn. Tôi cùng người dẫn đường cố gắng tìm cách để đi vào khu vực đó, mất gần 2 giờ nhưng di chuyển chẳng được bao nhiêu nên đành rút lui.

 Người dẫn đường dân Sắc Tộc và từng là Du Kích địa phương từ 1967-1975

Hôm sau, chúng tôi quyết định theo QL14 tiếp tục đi về phía Nam khoảng 10km nữa (gần với trại giam A Sờ). Tại vị trí này tôi cùng người dẫn đường đi về hướng Bắc, Đông Bắc (tiếc là cả anh Bô và anh Khiết do tuổi cao nên chỉ đi được một đoạn đồi rồi phải đành rút lui). Địa hình rừng núi hiểm trở, núi cao nhưng khi chúng tôi băng qua được 2 ngọn núi thì mới thấy được khu vực hành quân như các anh tính toán cùng với sự mô tả của anh Bô là hoàn toàn phù hợp. Đứng ở sườn núi bên này tôi nhìn được gần như toàn bộ những sườn đồi thấp, những đồi lách nhấp nhô với một khu vực rộng khoảng 12 - 15km2. Chếch về hướng Đông Bắc có thể là điểm cao 1227. Khi tôi quyết định đi qua khu vực đó, lội qua suối thì lau lách che hết tầm nhìn và hoàn toàn không có đường để đi vào, toàn bộ khu vực này vẫn hoang sơ, không có dân và cũng không có người khai phá. Theo người dẫn đường (một người Cơtu khoảng 70 tuổi) cho biết thì khu vực này trước đây “biệt kích” hoạt động khá nhiều. Men theo suối cũng có nhiều buôn làng sinh sống nhưng do bom đạn nhiều nên họ đã bỏ làng định cư nơi khác và không trở lại nữa. 



Trước đây có đường mòn để vận chuyển lương thực và đạn dược đi về phía Nam và cũng theo ông ta nói chếch về phía Đông Bắc (có thể là dưới chân điểm cao 1227) trước đây có kho tàng, căn cứ của bộ đội miền Bắc. Với địa hình như thế này tôi nghĩ không thể tìm kiếm cái gì được nên cùng với anh Khiết và anh Bô quyết định dừng lại, chấp nhận việc di hài anh tôi vẫn ở lại nơi khu vực này bởi vì thời gian cùng với một số điều kiện không được thuận lợi. Theo cảm nhận của chúng tôi thì khu vực nhảy có thể cách đường 14 khoảng chừng 4km, cách sườn đồi chúng tôi đứng quan sát khoảng chừng 3km. Tôi sẽ sắp xếp gửi cho các anh một số hình ảnh để các anh tham khảo, cũng như để gợi nhớ những kỷ niệm những ngày xa xưa, vì không ít các anh thuộc Đ11, 71, 72 đã tham gia vào các cuộc hành quân có tên Thần Long ở vùng này. 

Một số đã nằm xuống tại vị trí này (điển hình là anh trai tôi là c/u Tường); một số đã bị bắt làm tù binh (T/u Sơn, Lai, Bô, Kính) cùng một số anh khác thuộc Đ11, 71, 72. Xin cám ơn và kính chào các anh.
(nhân tiện anh chuyển giúp thư này đến anh Sơn)



 Anh Bô, Anh Khiết và em C/U Tường trong ngày giổ lần đầu sau 40 năm

No comments:

Post a Comment