Wednesday, July 23, 2014

Hành Trình tìm người anh mất tích trong chuyến công tác của Đoàn 11


Lê Văn Tường, nguyên quán: Quảng Trị, sinh năm 1954, có bằng Tú Tài 1 năm 1972, bị tổng động viên, vào học sĩ quan Thủ Đức giữa hoặc cuối năm 1972.
Tôi chỉ biết anh ấy công tác tại Đoàn công tác 11 - Bộ Tổng TM, đóng quân tại bán đảo Sơn Trà, Tháng 6 năm 1974, nhóm nhảy gồm 6 người đều bị bắt gọn tại phía Tây - Quảng Nam (thông tin không chính thức, chỉ nghe Đoàn trưởng kể lại cho Cha tôi).
Nếu trong nhóm có ai còn có thông tin gì về anh ấy, dù nhiều hay ít xin báo cho tôi biết.
Gia đình chúng tôi muôn vàn đội ơn

Mọi tin tức về Chiến Hữu Lê Văn Tường
xin e-mail về : NhaKyThuat@yahoo.com

 Thursday, October 24, 2013 (ngày nhắn tin trên internet)

 Anh tôi, Lê Văn Tường, nguyên quán: Quảng Trị, sinh năm 1954, có bằng Tú Tài 1 năm 1972, bị tổng động viên, vào học sĩ quan Thủ Đức giữa hoặc cuối năm 1972. Tôi chỉ biết anh ấy công tác tại Đoàn công tác 11 - Bộ Tổng TM mang lon Thiếu úy, đóng quân tại bán đảo Sơn Trà, Tháng 6 năm 1974, nhóm nhảy gồm 6 người đều bị bắt gọn tại phía Tây - Quảng Nam. Hồi đó tôi còn nhỏ và gia đình đang sống tại Ninh Thuận, hiện nay là xã Quảng Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận. Khi có thông báo mất tích, cha tôi (đã chết năm 2007) đã ra Đà Nẵng và được (hình như là Trung tá đoàn trưởng) kể lại toán nhảy gồm 6 người, có Trung úy Sơn làm toán trưởng (tôi nhớ không rõ lắm). Lần nhảy đó gồm có 3 toán, đến ngày thứ ba khi chuẩn bị đón trực thăng bốc về thì toán nhảy của anh tôi gặp đối phương, nhân viên truyền tin bị bắn và lăn xuống khe nước, những thành viên còn lại đều bị bắt. Khi tìm và đưa được anh truyền tin về căn cứ kể lại chi tiết, nhưng khoảng hai giờ sau thì anh ấy chết (thông tin này Đoàn trưởng kể lại cho Cha tôi). Nếu anh tôi còn sống một cách bình thường thì chắc gia đình tôi đã có tin. Gia đình chúng tôi chỉ muốn biết anh ấy chết và được chôn cất như thế nào để chúng tôi có thể tìm được mộ của anh ấy, dẫu sao đó cũng là niềm an ủi duy nhất cho gia đình. Nếu có điều kiện, xin các anh bỏ chút thời gian tìm hiểu và thông tin cho chúng tôi. 

Xin cám ơn nhiều.

 Khu vực hành quân nằm kế đường mòn Hồ Chí Minh góc giao điểm của Quốc Lộ 14 và 14B, từ tọa độ hành quân YC. 985618 về biên giới Lào tính theo đường chim bay là 15 miles tức 24 cây số, khu vực này cho đến ngày nay vẫn là rừng hoang và đồi núi cao và dốc, Từ Thường Đức đi về phía tây khoảng 20 cây số đường chim bay sẽ đến tọa độ khu vực hành quân YC. 985618,  từ trung tâm Thành Phố Đà Nẵng về hướng tây 40 cây số sẽ đến vùng hành quân tọa độ YC.985618 và Chuẩn Úy Lê Văn Trường mất tích và chết tại khu vực ghi chú phía trên, căn cứ địa khu vực này là căn cứ 607.
hành quân THẦN-LONG 115 toán 115 thuộc Đoàn Công Tác 11 (MT. 115 U) tại tọa độ YC. 985618 thuộc lãnh thổ Quận Thường Đức, tỉnh Quảng Nam , (QK.1) 
Ngày nay có những tour đi trên đường mòn HCM nhưng chủ yếu những khu vực lớn hấp dẫn du khác như Khe Sanh, Hạ lào, vùng DMZ, Khâm Đức, Bạch Mã  vv.vv.. những khu vực có nhiều du khách và có những tiện nghi tương đối, còn lại những vùng như tọa độ YC. 985618 hầu như không có đường vào khu vực nếu có phải dùng người thiểu số địa phương và xe gắn máy . 
The AO location near Ho Chi Minh Trail YC. 985618 corner of Road 14 and 14G. From this location to LAO's border about 15 miles (24KM) and the same distance to Thuong Duc District. Keep going straight to the west 80KM will be at Da Nang City. From Thuong Duc using Road 14 to PRAO about 80 KM to the East.

ADMIN Nha Kỹ Thuật

 Thiếu Úy Nguyễn Anh Sơn Trưởng Toán 115

E-mail của Sĩ Quan Trưởng Tóan về chuyến Hành Quân

Đ11 cũng có nguyên toán mất tích ở Thường Đức vào tháng 5 năm 1974. Chuyến công tác đó tôi là trưởng toán, chỉ có 5 nhân viên gồm Sơn ,Tường, Kính ,Lai, Bô .
Chuẩn úy Nguyễn văn Tường (Triệu Phong Quảng Trị) Sĩ quan Thủ Đức 1974 về ĐCT 11 HY SINH trong công tác khoảng 9 giờ sáng ngày 22 tháng 5 1974 tại Thường Đức. Chuẩn úy Phan đình Kính ở tù mãn hạn được thả, nhưng sau lại mất liên lạc và có tin đang ở Houston Texas USA

Xâm nhập chiều 19/5/1974 ngay sau khi xuống bãi đã thấy rất nhiều dấu vết hoạt động của địch ( trước đó khoảng 1 tuần đã có một toán của Đ 71 mất tích nguyên toán trong khu vực này ,sau khi bị bắt tôi đã gặp c/u Trần văn Quang người còn sống sót duy nhất trong toán đó của Đ 71) Ngày 20/5/74 toán thấy rất nhiều dấu vết trên cỏ tranh biết bị địch âm thầm bao vây với quân số rất đông nên di chuyển xóa dấu vết thận trọng.
Ngày 21/5/74 vòng vây bị thu hẹp vì địch tổ chức rất nhiều toán, mỗi toán cỡ 20 người bao vây xoay trôn ốc từ ngoài vào trong.
Ngày 22/5/74 địch tấn công trực diện vào lúc 9 giờ sáng nhưng nhờ đã thận trọng chọn vị trí tốt bên cạnh 1 triền núi sâu lõm xuống 3 thước nên toán lăn xuống dưới tầm đạn, nếu không thì đã tiêu nguyên toán
Ngay giây phút chạm địch đầu tiên c/u Tường hy sinh tại chỗ vì không kịp lăn xuống hố, Lai bị thương nhẹ vẫn cùng với toán chạy thoát được lần tấn công sáng hôm đó, lực lượng địch rất đông vì đang tập trung vây hãm Thường Đức bủa ra lùng bắt suốt ngày vây toán vào giữa.

Khoảng 5 hoặc 6 giờ chiều cùng ngày toán bị một lực lượng địch phối hợp với Thượng cộng dẫn chó săn truy kích phát hiện và bị bắt.
Sau khi toán bị bắt Cộng quân đã đánh chiếm được Thường Đức lần đầu tiên tháng 5/74, sau quân Dù đã phải tái chiếm lại.
Sau khi bị bắt tôi đã hỏi về di hài của C/u Tường thì chỉ được cho biết là đã chôn rồi nhưng hỏi ở đâu thì không cho biết và đã bị 2 báng súng AK vì câu hỏi đó.

Tôi nghĩ là địch đã chôn anh trong vùng mục tiêu hành quân và theo Bưu tín báo cáo mất tích của NKT/SCT/Đoàn Công - Tác 11 gửi về cho gia đình tôi thì tôi mất tích trong cuộc hành quân THẦN-LONG 115 (MT. 115 U) tại tọa độ YC. 985618 thuộc lãnh thổ Quận Thường Đức, tỉnh Quảng Nam , (QK.1) - Được Quy Trách Vì Công Vụ.

Ngoài ra ĐCT 11 có 2 sĩ quan trưởng toán tên Trường
Trung úy Lê viết Trường hy sinh trong khi thi hành công tác
Thiếu úy Phùng văn Trường (hình như cũng đã hy sinh)
Sơn ĐCT 11



Tổng Kết
Sau một năm dài tìm kiếm hôm nay 23 tháng 7 năm 2014 bài tường trình với 1 trang giấy và những tấm hình chụp trong khu vực hành quân.
40 năm với bao mong chờ thao thức, hy vọng, ưu tư, đợi chờ, thất vọng, hoang mang. Cho dù 40 năm trôi qua nhưng chiến tranh không bao giờ chấm dứt đối với những gia đình có thân nhân mất tích trong Chiến Tranh.
Vùng hành quân ngày xưa, nơi chưa có dấu chân người đặt đến, những con cá lội lẵng lơ dưới dòng suối, tiếng chim hót vào buổi sáng sớm, tiếng côn trùng hòa tấu khi mặt trời lặn, tiếng thú rừng gầm hú thâu đêm, ngày nay nhìn lại khu vực hành quân vẫn là nơi không có đời sống của con người tại địa phương, những vách núi cao, những lá cây chồng chất qua bao mùa lá rụng, thêm vào những bom đạn, mìn chưa được khai quang, những người sắc tộc tại địa phương sinh ra và lớn lên với núi rừng và chính họ cũng phải xa lánh những khu vực này, những mồ hôi trộn lẫn máu của những toán Nha Kỹ Thuật dẫm nát khu vực săn tìm tin tức cho Quân Khu 1 thời bấy giờ, đường mòn Hồ Chí Minh và khu vực phía Tây Thượng Đức gần biên giới Lào, địa danh chiến lược dẫn đến Cao nguyên và quyết định sinh tử của Chiến Trường Việt Nam "kẻ nào chiếm giử Cao nguyên sẽ chiếm giữ Miền Nam Việt Nam".
Khu vực không có đường xe và cũng chẳng có đường mòn, tất cả phải băng rừng, lội suối và leo núi, phương tiện duy nhất xâm nhập bằng trực thăng với những kỹ thuật riêng tư của những toán Xâm Nhập Nha Kỹ Thuật.
Dù 1 trang giấy và những tấm hình chứa đựng trong đây tất cả những tin tức, tình chiến hữu, tình gia đình, nói lên cái nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa luôn đem Đại Nghĩa để thắng Hung Tàn và Lấy Chí Nhân mà thay Cuồng Bạo.
Xin một lời tri ân chân tình nhất và những nén hương lòng đến với những anh hùng của QLVNCH đã nằm xuống cho quê mẹ thêm xanh tươi.
Những hậu duệ của VNCH luôn ngưỡng cao mặt và hãnh diện những đóng góp của cha ông đã anh dũng chiến đấu và gìn giữ Tự Do cho Miền Nam trong 21 năm.

Trân trọng,
Admin Nha Kỹ Thuật Group

Anh Hòa kính.

Theo tọa độ và khu vực hành quân mà các anh đã cung cấp, chúng tôi (anh Khiết, anh Bô) đã đi lên Prao, cuộc tìm kiếm đã đạt được một số tiêu chí mà chúng tôi đã nghĩ tới. Từ Prao (huyện Hiên cũ) đi về hướng Nam (QL14) khoảng 10km gần với thủy điện Zahung; phía tay trái về hướng Đông toàn là vách núi dựng đứng, hiểm trở. Tôi cùng người dẫn đường (người dân tộc Cơtu) thử leo lên đỉnh, nhìn qua khu vực hành quân thì cây cối hoàn toàn che khuất tầm nhìn. Tôi cùng người dẫn đường cố gắng tìm cách để đi vào khu vực đó, mất gần 2 giờ nhưng di chuyển chẳng được bao nhiêu nên đành rút lui.

 Người dẫn đường dân Sắc Tộc và từng là Du Kích địa phương từ 1967-1975

Hôm sau, chúng tôi quyết định theo QL14 tiếp tục đi về phía Nam khoảng 10km nữa (gần với trại giam A Sờ). Tại vị trí này tôi cùng người dẫn đường đi về hướng Bắc, Đông Bắc (tiếc là cả anh Bô và anh Khiết do tuổi cao nên chỉ đi được một đoạn đồi rồi phải đành rút lui). Địa hình rừng núi hiểm trở, núi cao nhưng khi chúng tôi băng qua được 2 ngọn núi thì mới thấy được khu vực hành quân như các anh tính toán cùng với sự mô tả của anh Bô là hoàn toàn phù hợp. Đứng ở sườn núi bên này tôi nhìn được gần như toàn bộ những sườn đồi thấp, những đồi lách nhấp nhô với một khu vực rộng khoảng 12 - 15km2. Chếch về hướng Đông Bắc có thể là điểm cao 1227. Khi tôi quyết định đi qua khu vực đó, lội qua suối thì lau lách che hết tầm nhìn và hoàn toàn không có đường để đi vào, toàn bộ khu vực này vẫn hoang sơ, không có dân và cũng không có người khai phá. Theo người dẫn đường (một người Cơtu khoảng 70 tuổi) cho biết thì khu vực này trước đây “biệt kích” hoạt động khá nhiều. Men theo suối cũng có nhiều buôn làng sinh sống nhưng do bom đạn nhiều nên họ đã bỏ làng định cư nơi khác và không trở lại nữa. 



Trước đây có đường mòn để vận chuyển lương thực và đạn dược đi về phía Nam và cũng theo ông ta nói chếch về phía Đông Bắc (có thể là dưới chân điểm cao 1227) trước đây có kho tàng, căn cứ của bộ đội miền Bắc. Với địa hình như thế này tôi nghĩ không thể tìm kiếm cái gì được nên cùng với anh Khiết và anh Bô quyết định dừng lại, chấp nhận việc di hài anh tôi vẫn ở lại nơi khu vực này bởi vì thời gian cùng với một số điều kiện không được thuận lợi. Theo cảm nhận của chúng tôi thì khu vực nhảy có thể cách đường 14 khoảng chừng 4km, cách sườn đồi chúng tôi đứng quan sát khoảng chừng 3km. Tôi sẽ sắp xếp gửi cho các anh một số hình ảnh để các anh tham khảo, cũng như để gợi nhớ những kỷ niệm những ngày xa xưa, vì không ít các anh thuộc Đ11, 71, 72 đã tham gia vào các cuộc hành quân có tên Thần Long ở vùng này. 

Một số đã nằm xuống tại vị trí này (điển hình là anh trai tôi là c/u Tường); một số đã bị bắt làm tù binh (T/u Sơn, Lai, Bô, Kính) cùng một số anh khác thuộc Đ11, 71, 72. Xin cám ơn và kính chào các anh.
(nhân tiện anh chuyển giúp thư này đến anh Sơn)



 Anh Bô, Anh Khiết và em C/U Tường trong ngày giổ lần đầu sau 40 năm
 
Bản Đồ Đà Nẵng







 

No comments:

Post a Comment